Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Luận Về Ngày Tháng Năm

 

Luận Về Ngày Tháng Năm.
Với 1 số người ngày tháng năm có vẻ tầm thường trong trong mắt ai. Lại có 1 số người nghe nhắc đến ngày tháng năm là 1 ấn tượng không thể nào quên. Với họ, năm Ất Dậu khủng khiếp, năm Mậu Thân hãi hùng... Cứ thế, có người nghe năm Bính Thân là ngày tàn của cuộc đời. Năm Bính Tuất chó chết, năm Kỷ Hợi đáng ghét, và Canh Tý cũng thế thôi... Tất nhiên khối người các năm tháng ấy là niềm vui của họ, là sự hạnh phúc, là bước khởi đầu đánh dấu tốt đẹp... Một năm đầy vinh quang với người nầy, người khác lại là năm đầy cay đắng. Từ đó ta có những năm tháng không thể nào quên. 1911 Cách mạng Tân Hợi với người Hoa. 1914-1918 đệ nhất thế chiến. 1939-1945 đệ nhị thế chiến với những người trong cuộc...

Vào trang Wiki, bên cạnh tên 1 nhân vật nào đó luôn luôn có con số năm sinh và năm mất. Tuy nhiên cũng có 1 số ít nhân vật không biết sinh năm nào, tháng nào chỉ có năm mất. Lại có người chỉ có năm sinh còn năm mất lại là 1 dấu hỏi.
Trên báo chí thường thấy cụm từ. Ngày.. tháng ... năm ... Khởi tố vụ án... càng cao danh vọng lại càng tốn nhiều giấy mực. Đa phần người ta tò mò các nhân vật quan trọng hơn những người tầm thường.
Thỉnh thoảng lại thấy thiệp hồng báo ngày... tháng... năm... Nhớ đi ăn cưới hỏi. Nhớ đi ăn mừng nhà mới, trong khi nhà mình xây từ vua Bảo Đại... Cho nên, với người nầy ngày tháng năm quan trọng. Với người khác mỗi ngày như mọi ngày. Mọi ngày ấy được bình yên là quý nhất.
Vậy thì ngày tháng năm, các ngôi sao được gọi là chính tinh nầy thực tế rất quan trọng. Nó có thể là ngày vinh quang... đồng thời cũng là ngày cuối cùng của ai đó.

Đó là các sao.
THÁI DƯƠNG chủ ngày.
THÁI ÂM chủ tháng, còn chủ đêm.
THÁI TUẾ chủ năm.
Trong Tử Vi chỉ có 3 ngôi sao nầy mang tên THÁI.
Ngoài ra còn có sao thời kỳ là THIÊN CƠ. Ta chỉ đoán THIÊN CƠ là thời kỳ khi đi với sao ngày tháng năm. Thời kỳ tươi đẹp, thời kỳ đen tối...
Thay vì nói ngày tháng, người ta dùng từ “mùa”. Ám chỉ thời kỳ, hoặc tháng ngày...
Như; Mùa hè đỏ lửa, mùa xuân chiến thắng, mùa đông của cuộc đời, mùa thu ly biệt.

Có 1 số người cung Mệnh có các sao ngày tháng, đa phần chỉ gặp tại Hạn.

Nói đến “ngày” là cả 1 chủ đề bất tận, còn nói đến “đêm” hay “ ngày tháng"”càng không thể nói hết. Chỉ đề cập đến  1 vài ví dụ.

Ngày ra đi
Còn gọi là ngày lên đường, ngày khởi hành... Để đoán tình tiết này căn cứ vào các sao Ngày tháng năm, thời kỳ, phối hợp với 2 nhóm sao đi lại và chuyển động.
Ra đi có nhiều lý do, mục đích. Đi thăm viếng, đi du lịch, đi du học, đi buốn bán, đi tìm vùng đất hứa... đến đi ra chiến trường, đi vào cõi chết, đi ra toà, đi trốn với nhiều lý do khác nhau... Ngày ra đi có thể huy hoàng, có thể công khai, có thể lén lút âm thầm như bóng ma biên giới... Và có trường hợp không thể nói rằng đi, phải nói chính xác là chạy. Vì đã gây quá nhiều tội ác, nào giết người, nào cướp giật, nào là ôm hụi, nào thâm hụt công quỹ... Khó mà mô tả hết hoàn cảnh của người chạy đi. Có người phải thay tên đổi họ. Thậm chí thay đổi cả giới tính. Đây là tình huống cần thiết phải thay tên đổi họ. Tự dưng thay tên đổi họ có giải quyết được cái gì đâu. Lừa Đảo đổi thành Lừa Gạt cũng vậy thôi.

Ra đi, ai cũng mong đi đến nơi mình muốn. Có thể không bao giờ đến. Cái dễ gặp là đến nơi không mong đợi. May ra có người đến nơi mong muốn, tìm thấy ngày mai tươi sáng.`
Ta lại thấy. Được đi, bị đi, bị ép buộc phải đi, bị đuổi đi, nghe lời xúi giục rồi đi... Đi công khai, đi trong lén lút, đi được nghênh đón... đến đi trong tủi nhục.
Ta cũng không thể quên, đi với ai? Hoặc đi 1 mình. Ôm con lặng lẻ ra đi... đến công khai phản bội ra đi... để nước mắt cho người ở lại. Khủng khiếp nhất là hoàn cảnh chiến tranh lan rộng bỏ cửa bỏ nhà, bồng bế nhau chạy đi trong bối cảnh bom đạn rực trời. Lúc đó mới thấy 2 chữ bình yên mới quý làm sao. Còn 2 chữ hoà bình ngoài tầm mơ ước.

Ngày trở về.
Nếu có ngày ra đi tất có ngày trở về, thường là như thế. Sinh ra các từ ngày tái ngộ, ngày sum vầy gặp mặt, ngày hồi hương... Đoán chi tiết nầy căn cứ chuyển động về nơi chốn cũ.
Ngày trở lại có thể trong lặng lẻ. Như thế là còn tí may mắn. Biết đâu “Anh trở về bằng chiếc băng ca”... Xấu số (cũng là sao THIÊN CƠ khi xấu) vùi thây nơi rừng sâu hay biển vắng. May mắn hơn là “Ngày trở về có anh thương binh chống nạng cầy bừa”...
May mắn cho ai ngày trở về là ngày vinh quy bái tổ. Không phải dòng họ nào cũng vui mừng hưởng vinh hoa kề long dựa phượng. Ở đời muôn sự. Kẻ vinh quy có khi còn mạt sát tổ đường gì bé tí vậy. Lại có kẻ, khi vinh quang lại không vinh quy, hồi hương khi sa cơ thất thế. Có nghĩa là sao THIÊN CƠ cũng xấu và sao THẤT SÁT chuyển thành thất kinh. Cú hồi hương đem tai hoạ đến cả dòng tộc láng giềng...
Đến kẻ đi xa về nhà nói khoác, cái tội đó còn nhẹ, đến lừa gạt người thân, láng giềng cũng có... Không thể nói hết các trường hợp và các tình huống của ngày trở về của mọi người.
Có người bị trục xuất về, có người có TẢ PHÙ, HỮU BẬT dẫn độ về. Tất nhiên về quê hương thì có, về nhà cũ thì không.
Ở Kampuchia có người công bố ngày về, không những náo loạn đất nước, còn náo loạn các nước lân bang. Nếu công khai như sao THÁI DƯƠNG không được, thì âm thầm như sao THÁI ÂM, bí mật như sao TỬ VI. Quan trọng là có thật tâm hay chỉ là chiêu trò.

Ngày tháng đợi chờ.
Nếu có người ra đi tất có người ở lại với ngày tháng đợi chờ... Có người vui mừng mong đợi 1 hồi âm, tất nhiên có người khổ đau vì biệt vô âm tín. Có người hãi hùng khi nghe tin dữ. Có người đợi chờ trong hy vọng, lại có người trong vô vọng. Mọi cái đều có thể. Ngày tháng đợi chờ. Đề tài được giới văn nghệ sĩ khai thác nhiều nhất.

Ngày vui, ngày buồn...
Các ngày hỉ sự, ăn mừng... đều là ngày vui cả. Quá dễ biết và dễ hiểu do đi với cát tinh, hỉ tinh. “Thấy sao thì mô tả vậy”. Đó là nguyên tắc của Tử Vi Ứng Dụng, cũng là lời thường nhắn nhủ với học viên.
Có khi ngày vui biến thành ngày không vui là chuyện có thể gặp. Nếu gặp THIÊN KHÔNG đành nói rằng không. Gặp tam KHÔNG càng có nhiều cái không. Gặp tam Ám ngộ tam Minh vui cũng biến thành buồn... Y như, trời đẹp bỗng dưng mưa bão. Đành nhận xét, hôm nay trời mưa bão.
Ngày vui có khi cũng ngắn ngủi.
“Ngày vui ngắn chẳng đầy gang. 
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài”... Kiều, Nguyễn Du
Cũng như: “Ngày hợp hôn, nàng không đòi may áo cưới. Tôi mặc đồ quân nhân. Đôi giày đinh bết bùn lúc hành quân’... Ngày vui ngắn ngủi của đôi tình nhân, cũng là ngày vui ngắn ngủi của thi sĩ viết nên câu thơ nầy. Sau đấy đã chấp nhận những tháng ngày đen tối 
Nếu có ngày hợp hôn nhưng số phận lại viết ngày ly hôn, tất nhiên ngày ấy sẽ đến. Ngày ly hôn nàng đòi chia đôi chiếc Mercedes... Thế là tôi cưa ngay. 

Vui buồn cũng có nhiều cấp độ. Buồn, buồn quá, quá buồn, buồn chết đi được... Chẳng có phép mầu nào biến buồn làm vui, nếu có, là phép lừa gạt mà thôi. Có chăng là quên nó đi để sống, gạt nó qua 1 bên... Nhưng có người lại viết. “Người ơi! Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”...
Có người sinh ra để khóc, có người sinh ra để cười. Đó là 1 sự thật. Có chức, có quyền con than thở
“Kiếp sau xin chớ làm người”...

Ngày đáo hạn
Ngày đáo hạn là ngày tất toán của sổ tiết kiệm đem lại niềm vui đến 1 số người. Nhưng ngày đáo hạn ngân hàng đem lại tiếng khóc, tiếng thở dài cho người đi vay nợ ngân hàng. Bằng không sẽ biết ngày quá hạn kỳ là gì. Trong thuốc men, lương thực người ta gọi là ngày quá đate. Vì thế, ngày tháng năm rất ấn tượng với 1 số người. Lỡ dại vay nóng của bọn cho vay nặng lãi. Thế là biết chiến tranh tầm vi mô như thế nào. Cho nên có nhiều chuyện lạ lùng. Thế chiên, đại chiến vẫn có người bình yên như cái vại. Thế giới, đất nước hoà bình vẫn có người có chiến tranh. Đã là số phận khó mà thay đổi.

Ngày hành động, ngày quyết định...
Ngày N giờ G hãy hành động, tổng khởi nghĩa... Đây là chi tiết thường gặp trong quân sự. Đó là ngày hành quân, tấn công vào mục tiêu. Từ đó ta có ngày định mệnh, có khi thắng tất có khi thua ôm đầu máu. Lại ngày N giờ G lần nữa, cứ thế cuộc chơi lại tiếp tục. 
Với doanh nghiệp là ngày khởi nghiệp. Tất nhiên khi khởi lên làm ầm ầm thành công cũng có, lặng lẻ âm thầm rút lui hồi nào không ai biết cũng có. Éo le là cơ quan chức năng yêu cầu công ty Lừa dẹp. Nếu có ngày khai sinh dễ thấy ngày khai tử. Y như con người, các công ty chết hồi nào không ai hay.

Với thường dân dễ gặp là ngày quyết định. “Ra giêng anh cưới em”... “Đám cưới thường tổ chức cuối năm”. Đên cuối năm lại “Ra giêng anh cưới em, năm rộng tháng dài mà em”.

Ngày lành tháng tốt.
Bên Tàu thường coi ngày lành tháng tốt mới xuất quân. Nhưng có điều lạ kỳ xuất quân đánh nước ta lần nào cũng thua. Cho đến quân Kim, quân Mông Cổ, quân Thanh xâm lược mặc kệ không chịu đánh vì chưa có ngày lành tháng tốt. Bây giờ lại nghe hăm he Đài Loan, rút kinh nghiệm cha ông để lại. Thế nào cũng chọn ngày hung tháng xấu để đánh.
Vậy, có hay không ngày lành tháng tốt?

Căn cứ vào TỬ VI ta có. Bộ ÂM DƯƠNG LƯƠNG tốt đẹp là ngày lành tháng tốt. Vì sao THIÊN LƯƠNG chủ sự tốt lành. Còn ÂM DƯƠNG là bộ sao ngày tháng. Nếu có bộ ÂM DƯƠNG LƯƠNG tốt tất có bộ ÂM DƯƠNG LƯƠNG từ xấu đến xấu khủng khiếp là điều có thật. Cho nên có ngày lành tháng tốt với 1 số người và ngày xấu tháng hung với 1 số người.
Chuyện ngày lành tháng tốt với tất cả mọi người trên thế gian là chuyện bịa đặt.
Ngày nào mà chẳng có kẻ xung đột mâu thuẫn đưa đến đánh nhau. Trong quân sự có đến cả tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn... được gọi mỹ danh là hành quân.  Ngày nào mà chẳng có tai nạn xe cộ, kẻ thì thuỷ tai, kẻ thì hoả tai, kẻ thì mất của... không thiếu những người bộc phát trọng bệnh. Người viết tin rằng; chẳng có ngày nào bình yên cả. Ngày Tết, ngày lễ lại là ngày nhiều tai nạn hơn.
Và người viết tin rằng; ngày nào cũng có người trúng số phát tài. (Do thấy ngày nào cũng có xổ số, không giải lao ngày nào), có người trúng mánh, có người tìm được người mình thương yêu... Thôi thì đủ cả. Có người mất của, tất có người được của. Bạn mất xe cho là ngày xấu, thắng ăn cắp cho là ngày hên được của. Tóm lại chẳng có ngày lành tháng tháng tốt chung cho tất cả mọi người.

Đến quốc gia. Nếu có ngày vui là quốc khánh. Ngày xưa nước ta gọi là ngày Hưng quốc khánh niệm. Trái ngược là ngày quốc tang, đau đớn nhất là ngày quốc hận. Nhục nhã là ngày quốc nhục. Ta lại có câu vè để lại.
“Từ ngày thất thủ kinh đô.
Ông Tây sang giăng dây thép bản địa đồ nước Nam”.

Người sinh ra có năm sinh, năm mất. Không ai tránh được ngày tàn cuộc đời, ngày xa lìa nhân thế. Âm dương thôi đành cách biệt. Hãy cố gắng tránh ngày đền tội, ngày phán xét khi mất đi không có tiếng xầm xì... Kẻ tốt để lại thương tiếc trong lòng mọi người. Kẻ xấu bị nguyền rủa, chuyện xưa nay vẫn thế. 
Ngay đến một chế độ, một triều đại cũng có ngày tàn, cũng năm ấy lại khai sinh một chế độ mới, triều đại mới.

Đến đây bộ ÂM DƯƠNG chủ ngày tháng là 1 nhóm sao quan trọng. Nó là chính tinh nên quan trọng như các chính tinh khác. Bộ ÂM DƯƠNG còn chủ.
Trai gái, nam nữ... đoán về giới tính.
Âm thầm và công khai đoán về tính cách, tai hoạ
Âm phần và dương cơ đoán về cơ nghiệp.
Âm vật và dương vật đoán về cơ thể
Âm thanh dậy lên đoán về vui buồn, thành công... 
Đó là lý do cần đi với hỉ tinh, cát tinh.
Không phải vô cớ người xưa viết. 
ÂM DƯƠNG hữu XƯƠNG KHÚC nhi đắc lực.
Nhưng đắc lực đến đâu còn tuỳ cát tinh hỗ trợ.
NHẬT NGUYỆT ngộ KHÔI VIỆT dị thành công...

Và ÂM DƯƠNG, THIÊN CƠ, THÁI TUẾ các sao chủ ngày tháng, thời kỳ. Nói chung là thời gian. Thời gian là thứ mất đi không bao giờ tìm lại được. Quỹ thời qian là cái quỹ càng ngày càng ít đi của 1 đời người. Không phải vô cớ người ta phóng đại “Thời gian là tiền bạc”. Có tiền cũng không mua được thời gian. Người tốt, không nên làm lãng phí thời gian của người khác. Người xấu lãng phí thời gian đọc, xem, chơi... những cái vô bổ. Chưa kể còn quậy phá thời gian của kẻ khác. Mong sao, nhất là học viên Tử Vi Ứng Dụng  sử dụng tốt quỹ thời gian của mình. Vì như đã nói. Đó là thứ mất đi không bao giờ tìm lại được. Đó là thứ cho đi nhưng người nhận lại không thấy.


Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Luận Về Ăn Uống.

 

Ăn là THIÊN CƠ chủ đói, có đói mới ăn, THIÊN ĐỒNG chủ no... Hai sao nầy luôn luôn tam hợp với nhau. Đây là 2 từ chúng ta thường dùng hằng ngày. Nhị hợp với THIÊN CƠ là PHÁ QUÂN, với THIÊN ĐỒNG là THAM LANG. Dễ lầm lẫn THAM LANG là ăn. THAM LANG là ngôi sao chủ ham muốn đủ thứ, trong đó có cả sự ham ăn.

Khi đói (là THIÊN CƠ) người ta thường tìm kiếm (là THAM LANG) cái gì đó cầm lấy (là PHÁ QUÂN) để ăn.

Ăn khi có sao lương thực là THIÊN LƯƠNG phối hợp mới hay. Đó cũng là một trong các lý do, làm cho bộ CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG trở thành hoàn chỉnh...
Kém hơn là cách CỰ ĐỒNG CƠ không lo ăn lại lo cãi.
Dù hay hoặc kém, tất cả cần có cát tinh hỗ trợ. Kỵ gặp KHÔNG KIẾP, HOẢ LINH, KỴ HÌNH và CÁO PHỤ.

THIÊN LƯƠNG là lương thực, vì thế có câu phú.
“Tài, Ấm toạ Thiên Di tất cự thương cao cổ”.
Ấm là tên riêng của sao THIÊN LƯƠNG.
THIÊN LƯƠNG tại Thiên Di cung mở cửa hàng ăn uống là thế. Đem lương thực bày ra bên ngoài để người có nhu cầu đến ăn. Còn việc cửa hàng ăn uông lớn, nhỏ, thành bại lại là việc khác.
Do THIÊN ĐỒNG được no đủ vì thế gọi là có phúc. Phúc là tên riêng của THIÊN ĐỒNG. Bạn cho là vô lý ư? Thì đây. Cứ cho là bạn tài ba, danh vọng đầy đủ cả.... bắt nhịn đói đến khi nào thừa nhận, được ăn no là có phúc mới cho ăn. Còn bày vẽ Phúc là phải tự do, ăn ngon mặc đẹp, không bị kềm kẹp... Đó là hạnh phúc (bộ ĐỒNG LƯƠNG) diễm phúc (bộ THIÊN ĐỒNG +ĐÀO HỒNG).

Có của, có quyền lực... nhưng đau ốm ăn không được mới thấy là vô phúc.
Trong cai trị (LIÊM TRINH TRIỆT) người ta dùng cái ăn để khống chế, ban thưởng... Đến đây có người đã thấm thía cái ăn quan trọng, nhưng có người vẫn chưa thấm thía. Đó cũng là chuyện rất bình thường. Vì chưa từng ăn 5 kg/ tháng. Ăn canh toàn quốc, ăn mắm đuôi... đến khi được ăn củ khoai, củ sắn còn sống chưa kịp nấu chín, cho là diễm phúc.
Từ đó ta có.
Kẻ ăn trong tiếng khóc, có người ăn trong tiếng cười. Hoàn cảnh nhiều vô số kể, tốt có xấu có. Cá biệt là yến tiệc linh đình.

Trong giao lưu, cư xử người ta dùng cái ăn để bày tỏ tình cảm...  Và dùng cái ăn để mua chuộc. Ta lại có “Ăn xôi chùa nghẹn họng”.  Chẳng lẽ ăn xôi chùa đi nói xấu nhà Phật.
Trong mưu mô cũng là sao THIÊN CƠ dùng cái ăn để đầu độc đối thủ. Thế là vua chúa phải dùng chén đũa bằng bạc, nhưng chưa hết lo phải cho người ăn thử. Ngay cả vua chúa cũng vừa ăn vừa lo nhất là người xa lạ mời. Ai hạnh phúc hơn ai, khi vừa ăn ổ mì vừa vô tư lướt web... Thế đấy.

Thế nhưng... Một số người khoe khoang cái mình ăn. Nào là ăn óc khỉ, ăn thai nhi, uống rượu ngoại... Có người gào thét phanh thây uống máu quân thù... Người viết không dám chỉ trích cái ăn uống của họ. Quan niệm thích cái gì hãy ăn cái ấy. Căn cứ vào đấy ta đoán tính cách con người. Tất nhiên không thiếu các trường hợp chết vì ăn do ngộ độc thức ăn, nhiễm bệnh về ăn uống là chuyện thường gặp. Đó cũng là lý do sao THIÊN CƠ hay gặp sao CỰ MÔN là cái mồm hội họp. Đa phần các căn bệnh liên quan đến sự ăn uống. Từ thiếu dinh dưỡng, ăn uống bất hợp lý, nhiễm độc thực phẩm... Đến đây rõ ràng không chối cãi cái ăn quan trọng đến dường nào.

Bọn triết gia lại lý sự kiểu sao THÁI TUẾ rằng;
“Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”.
“Một miếng giữa làng bằng 1 sàng trong bếp”.
Giới y học lại lập luận rằng; Ăn no nhưng thiếu dưỡng chất, cần ăn đủ dưỡng chất...

Nạn thiếu ăn.
Dân chúng thiếu ăn sinh ra loạn lạc. Sử sách viết đầy ra đấy, có thèm bịa đâu. Năm ấy mất mùa loạn lạc nổi lên khắp nơi... Nếu là lãnh đạo giỏi đã tính đến vệ sinh thực phẩm, an toàn lương thực. Còn lương thực của họ gọi là an ninh lương thực, sau khi bọn SÁT PHÁ soi mói không có virus, thặng dư độc tố...
Vì thiếu cái ăn, người ta làm đủ thứ.
Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo... đến bỏ xứ ra đi tìm đường cứu... cái bụng là THIÊN ĐỒNG. Nếu thành công quay về lại bố láo tìm đường cứu nước là QUỐC ẤN. Đến cấp vĩ mô xâm lăng, xâm lược cướp đất, cướp biển để cứu dân chết đói ở xứ mình. Hãnh diện với vó ngựa Mông Cổ đến đâu cỏ cây không mọc được, rồi “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”... gieo đau thương lên đầu dân tộc khác. Căm ghét hơn lại có kẻ lại đi theo vết xe đó, học làm Hiler, Thành Cát Tư Hãn... Thế gian không bao giờ bình yên, có chăng là khoảng lặng trong chốc lát báo hiệu sóng gió sắp tới.

Đáng nói, không thấy ăn mà gọi là ăn. Đó là ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, ăn gian, ăn chận (chặn), ăn bẩn, ăn hối lộ, ăn vạ...  Điều này gây khó khăn cho người nước ngoài học từ Việt. Nếu định nghĩa ăn là ăn các thứ lương thực, thực phẩm sẽ làm trò cười cho bọn tham quan, ô lại. Bất cứ thứ gì chúng cũng có thể ăn được. Từ sắt thép đến đất đá, ăn của người chết... ăn đến tận đời sau, ăn xuyên thế kỷ (tức đất đai tài nguyên là dành cho con cháu)

Các từ ăn ở trên hàm ý, cái mầy ăn là đồ trộm cắp, gian dối, tham nhũng ... của người khác.
Vì cái ăn. Bọn gian thương biến hoá cái ăn không được thành cái ăn được sống chết mặc bây.
Vì cái ăn bọn trộm cắp không tha 1 cái gì. Từ hiện vật đến văn chương nghệ thuật. Bằng chứng là những điều người viết viết tại đây, có kẻ ăn cắp đem in ấn chẳng qua là kiếm miếng ăn.

Tất nhiên bọn cướp giật, phỉ, giặc khỏi bàn đến do quá rõ.

Do cái ăn người ta sẵn sàng hại lẫn nhau.
Vậy từ cái ăn là nguyên nhân sinh ra vô số câu chuyện. Cho nên, THIÊN CƠ chủ cái ăn luôn luôn đứng sau sao TỬ VI còn chủ là nguồn gốc. Lại còn ăn bám, ăn chơi, ăn chực nằm chờ, ăn theo... đến “Ăn cơm nhà vác tù và cho quan”. Người Việt biến hoá từ ngữ ăn thành những cụm từ dồi dào, tuỳ thương ghét mà dùng.

Đến ăn năn càng cà lăm..
“Ăn năn thì sự đã rồi.
Nễ lòng người cũ vâng lời một phen”... Nguyễn Du.
Đó là sao THIÊN KHỐC. khi khóc tất có điều ăn năn hối tiếc. Biết đâu mình chưa kịp ăn, nó ăn mất phần mình. Nói đến chữ phần hay phận là sao TỬ VI liền kề sao THIÊN CƠ.

Vẫn chưa hết chuyện về ăn.
Ta lại có ăn chay. Mỗi tôn giáo có 1 cách ăn chay theo 1 cách khác nhau. Có tôn giáo không ăn thịt bò, vì uống sữa bò phải coi bò như là bà mẹ. Nghe chừng cũng có lý. Có người xứ Việt uống sữa cô gái Hà Lan, vì thế gặp gái Hà Lan vòng tay thưa mẹ.
Chẳng qua theo tôn giáo nào phải tuân thủ quy luật tôn giáo ấy mà thôi. Không có lý do gì chỉ trích cách ăn uống người khác. Mỗi dân tộc lại có cách ăn uống khác nhau. Với người này là rau, là củ nhưng với người kia là cỏ, là rể cây. Đó là chuyện rất bình thường.
Cái quan trọng không phải là ăn chay. Cái quan trọng là cách ăn ở cho phải đạo làm người.
Ăn chay nhưng bụng dạ 1 bồ dao găm. Thấy tiền thì sáng mắt, thấy đào thì nổi dâm, thấy đất đai thì lấn chiếm, mua gian bán lận... Vậy ăn chay để làm gì?

Ta còn có.
Nhìn cách ăn uống cũng biết tính cách con người.
Ăn mày cửa Phật
“Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất đi 1 miếng lộn gan lên đầu”
Ăn xem nồi, ngồi xem hướng.
Ăn mày đòi xôi gấc.
Ăn miếng trả miếng.
Ăn cháo đá bát. Cũng là chuyện thường tình trong xã hội.
Nhường cơm sẻ áo.
Ăn cây nào, rào cây nấy. Chỉ 1 đề tài nầy thôi có thể viết thành cả trang luận án.
Uống nước nhớ nguồn. Nhưng chuyện quên nguồn rất dễ gặp.
Có người thà nhịn đói để chết không chịu ăn. Ta lại có
“THAM LANG ngộ HAO 1 nhà.
Cầm bằng nhịn đói (chứ không để) lệ nhoà miếng ăn”.


Căn cứ vào ăn uống đoán thành công và vai vế trong xã hội. Ta có.
Ăn nên làm ra.
Ăn trên ngồi trước.
Một miếng giữa làng bằng 1 sàng trong bếp...
Ăn cơm chúa, múa tối ngày.
Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản.
Ăn chưa no, lo chưa tới.
Quyền ăn to nói lớn tức là cách CỰ CƠ tốt đẹp.

Đến ăn uống bị chỉ trích, kết tội.
Ăn gian nói dối. Đã ăn gian bao giờ cũng liền kề nói dối. Có người hãnh diện nhờ nói dối mà thành công. Làm láo báo cáo hay.
No ăn ấm cật, dậm dật mọi nơi.
Uống (hút) máu dân lành.
Lại có kẻ ăn gan uống máu để chứng tỏ mình ngon, gan dạ hơn người.

Hoạn nạn vì ăn uống.
Trúng độc, ngộ độc, đầu độc do ăn uống. Bị kiêng cử trong ăn uống...
“Ăn rồi cứ ngỡ như là chưa ăn”/ Nghĩa là sao?/ Là ăn cơm tù đấy ạ.
Đến đây được ăn no là có phúc. Có lẽ không có ai tranh cãi làm gì.

Thay vì nói ăn người ta còn nói là thực.
Có thực mới vực được đạo.
Tha phương cầu thực. Cho nên nhiều người phân tán khắp mọi nơi. Số phận mỗi người mỗi khác nhau. Có người thành công, có người thất bại. Làm gì có chuyện lạ lùng tha phương là thành công, là phát tài viễn quận. Trong khi người xưa đúc kết “Số nghèo đi đến nơi đâu cũng nghèo”. Còn người nghiên cứu số mạng thừa hiểu. Đó là kiếp tha phương, kiếp lưu lạc đến kiếp bị lưu đày. Mỗi người tha phương mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Lại đến cái ăn đó từ đâu mà có.
Có thế mới là luận đoán.
Câu thơ hay về chữ ăn.
“Hỏi ra, quan ấy ăn lương vợ
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn”. Quan Tại Gia, Trần Tế Xương.
Ghét người ta dùng từ ăn bám, thương thì đây là cách vợ đi làm nuôi chồng, chồng ở nhà coi ngó nhà cửa, chăm sóc con... “Vợ có công thì chồng không phụ”. Cách PHỦ TƯỚNG tại Mệnh hoặc tại Phối không bị phá cách.

Bộ ÂM LƯƠNG là bộ sao cơm lành canh ngọt. Nhưng cơm không lành canh không có... bột ngọt đưa đến xung đột mâu thuẫn, cũng là đây. Bao nhiêu chuyện xung đột mâu thuẫn hằng ngày quanh từ ăn rất nhiều, đưa đến vợ chồng bỏ nhau, cha con xa nhau, người ta giết nhau. Đến quan lại tranh giành... cái ăn đầu đội, chân đạp tranh giành nhau chức vị nguyên do cũng vì cái ăn. Vì với chức vị như thế, được quyền ăn to nói lớn, ăn ngon mặc đẹp, ăn sung mặc sướng... Đến đây tất thấy cái ăn cực kỳ quan trọng.
Muốn có cái ăn, người ta cần có tiền tức là THIÊN LƯƠNG. Từ THIÊN LƯƠNG hoán đổi ra lương thực cũng chỉ sao nầy mà thôi. Đó là lý do bộ CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG hoàn chỉnh hay hơn bộ CỰ ĐỒNG CƠ.

THIÊN CƠ là sao chủ sự đói nên cần ăn no là THIÊN ĐỒNG. Cái hay của TỬ VI là vậy, 2 sao luôn luôn tam hợp bổ sung cho nhau.
THIÊN CƠ còn chủ thời kỳ, thời cơ, cật vấn, riêng tư, tính toán mưu mô, cơ ngơi, cơ thể, số lẻ...
Đến đây có lẽ không ngạc nhiên khi nghe người ta nói.
Nhà cửa (là Thiên Cơ) sao xập xệ thế?/ Cái ăn chưa có, cơ thể chưa lo xong. Thời kỳ đang đen tối. Chuyện nhà cửa thôi đành tam bợ.
Trên là câu nói xoay quanh sao THIÊN CƠ với tình huống xấu.

Người viết nghĩ rằng. Đoán chuyên sâu về thức ăn nóng, thức ăn lạnh, đồ ăn nhanh... không khó mấy đối với học viên giỏi. Với học viên giỏi ba hoa cái gì đoán cũng được. Không cần suy nghĩ trước, tìm hiểu trước.

Cuối cùng là câu nói người xưa để lại.
“Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định”
Cái ăn, cái uống đã tiền định sẵn rồi. Tức cái ăn, cái uống có vui buồn vinh nhục trong đó.

Đến đây chợt nhớ đến “tam cùng”. Vậy tam cùng là gì? Là cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Nói lên tính hoà đồng với mọi người dễ thành công trong xã hội. Chứ đừng, tao chỉ uống trà không uống bia rượu. Tao ăn chay không chịu ăn mặn phải kiếm đồ chay cho tao... Thế là cách “Không Cùng”. Chừng đó thôi, đã thấy khó cùng nhau đến cuối cuộc đời.