Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Lạc Vào Thế Giới Tử Vi (13)

Truyện Tử Vi của Bửu Đình.

Hồi thứ 13.
Những Bản Mật Tấu Lạ Lùng.
Bản mật tấu thứ ba.
Ngày... tháng... năm.
Buổi sáng tại huyện Thiên Khôi.
Hạ thần tiếp tục tiến về thị trấn của huyện Thiên Khôi nơi đặt bản doanh của quan Lãnh Binh. Kể từ khi vó ngựa đặt chân trên đất xứ Thân, một điều thần quan tâm hơn hết là quân phục của bọn binh lính ở đây rách te tua, ngay cả bọn quan nhỏ cũng không lành lặn. Chỉ có bọn pháo thủ binh, tượng binh là coi được nhất. Bởi thế ở đây có câu.
“Nhìn quân phục biết xứ Thân. Nhìn tưởng dân hóa ra là lính”.
Vâng, chỉ có cái nón chúng đội trên đầu là ít hư hỏng mà thôi, càng nhìn càng chẳng giống ai, vũ khí thì ít, mang theo dao, rựa, mác thì nhiều. Chả trách các khâm sai địa phương báo cáo về không thống nhất một ý. Ngay cả nơi thị trấn đông vui Thiên Khôi cũng không ít lính tráng ăn mặc rách rưới từ xa đi về. Tại đây đa phần bọn Cơ binh (tức lính do các tỉnh quản lý) của 4 vệ (mỗi vệ 500 người, tương đương 1 tiểu đoàn ngày nay, mỗi vệ có 10 đội, mỗi đội có 50 quân - mỗi đội bằng một trung đội ngày nay, cũng còn tùy binh chủng). Chỉ có bọn Quản cơ và Suất đội là ăn mặc nghiêm túc. Nhìn cách ăn mặc rách rưới, trang bị khác lạ so với Kinh Đô thần đã muốn điều tra cho ra lẽ. Một mặt tìm kiếm khâm sai địa phương xứ Thân để tổ chức một cuộc họp nhỏ, một mặt khác đóng vai một người có người thân tòng quân xứ này, không biết rõ cơ, đội của nó để ra sức tiếp xúc tìm hiểu lân la với bọn suất đội.
Đến khi, biết rõ tại đây, có 2 vệ làm một con đường dọc theo biên giới nước bạn, và luôn luôn có những vệ, đội tập luyện hằng ngày. Mục đích gì thì thần cũng đành chịu. Chính quan Thượng thư bộ Binh cũng chỉ biết; Quan Lãnh binh PHÁ TRIỆT muốn làm một con đường dọc biên giới để thuận tiện cho việc đi lại kiểm soát vùng biên mà thôi. Còn việc tập luyện quân sự được quan Thượng cho là “văn ôn võ luyện” là chuyện thường tình. Các khâm sai địa phương cho là việc luyện tập quá thường xuyên là không cần thiết. Chỉ còn cách tiếp xúc với Lãnh binh xứ Thân để tìm hiểu động thái, thái độ, hành vi của y mới được.
Buổi chiều.
Đến doanh trại của quan Tổng binh thì y đã đi thăm thú một số đơn vị tập luyện đâu đó. Chờ mãi mới biết ngày mai y mới về. Thế là  thần lại tiếp tục công việc đi tìm kiếm người thân đóng quân xứ này. Vui chân vào chợ Thiên Khôi. Nghe người ta kháo nhau rằng, ăn cơm tại chợ rẻ tiền, thôi thì cũng ăn cơm chợ một bữa cho biết mùi vị để có dịp kể lại với hoàng thượng sinh hoạt của dân gian. Chẳng ngại vai trò của quan chánh nhị phẩm triều đình (ngang với bên văn: Thượng thư, Tổng đốc, Đô ngự sử. Bên võ ngang với:Thống chế, Đề đốc). Quả nhiên ăn cơm ở chợ rẻ thật. Đang ăn thì bỗng xảy ra chuyện vui của một phụ nữ bán gà. nhưng không thể kể ra đây được.
Buổi tối.
Cũng với vai trò tìm người thân, đi với 2 khâm sai địa phương ghé quán ả đào nổi tiếng xứ này. Lại nghe giọng ca người xứ Ngọ trên đất Thân, khiến thần không khỏi băn khoăn trong dạ. Không hiểu Hoàng thượng đi xa nghe tiếng ca ở quê hương nghĩ gì. Mặc dù rời xứ Ngọ đến hôm nay là đêm thứ ba nhưng thần không bao giờ quên những phút giây làm việc bên Hoàng thượng.
Chiều chiều,- dắt mẹ qua đèo.
Chim kêu - là kêu bên nớ.
Uấy- óa.- Chi rứa-, chi rứa.
Con vượn trèo - kia bên ki a- kìa là kia bên kia.
Chiều chiều - lữ khách qua đèo.
Vai mang - tình non - tình nước.
Uấy - óa -. Chi rứa- chi rứa.
Ôi !- Cuộc đời - bao trái ngang - kìa là bao trái ngang..
Lại nghe tiếp bài Ngũ Điểm, ở xứ Thân, âm điệu có phần khang khác.
Hò liệu hò hò xừ xang hò
Hò liệu hò hò xừ xế xang
Xế xang xự, xế xang xự hò
Hò hò cống, xê xàng xê cống.
Hò hò cống, líu cống xự xàng xê.
Xế xang xự xế xang xự hò.
Trong tiếng sênh phách, ca nhi trang phục như người xứ Ngọ, dung mạo đoan trang không kém phần xinh đẹp, cất cao lời ca sầu thảm.
Này từng chiều - lặng lẽ qua rồi
Này từng chiều - lặng lẽ buông trôi
Có bao giờ - biết đến bao giờ.
Được nói hết - những điều muốn nói...
Được bày tỏ - với người mình thương...
Nhưng bây giờ - lỡ cách xa rồi.
Thế là mất thêm 3 triệu, cho 3 người ngồi chưa tới nửa canh giờ. Nghe khâm sai xứ Thân giải thích, tại đây tính tiền theo canh giờ.
Khi bản mật tâu thứ 3 đưa lên cũng cái nhìn hờ hững của nhà vua, lại khoác tay ra hiệu đuổi về. Lần này chàng gài bẫy rất rõ tin chắc vua dính đạn. Mặc dù đưa bản mật tấu vào buổi trưa nhưng cả ngày vua chẳng thèm gọi.
Sáng hôm sau đành viết bản mật tấu thứ 4. Đã xong, nhưng ngại ngùng chưa dám gởi không khéo mình gài bẫy rồi tự sập bẫy (Đà Kiếp). Đành lấy công việc làm thú vui, gần chiều gởi cũng không muộn. Thoáng thấy viên thái giám vào Cơ Mật viện, tin chắc nhà vua gọi mình nhưng không, nhà vua gọi khâm sai Thiên Tướng lên hỏi việc.
Bên kia Quang Minh điện. Thay vì đọc công văn phê chuẩn, nhất là văn bản hỏa tốc từ mặt trận gởi về, nhà vua đem các bản mật tấu ra đọc lại. Nhà vua đếm, đếm những từ “nghi vấn”. Ngài thầm bảo, chắc “hắn” gài bẫy trẫm đây. Thật khó mà biết đâu là bẫy. Bản mật tấu nghe ghê gớm nhưng thật chất là văn thư ngộ nghĩnh nhất từ xưa cho đến nay. Có ai viết mật tấu lạ kỳ như thế chưa. Nhưng chúng ta là kẻ đứng ngoài cuộc chơi, không nhìn thấy hết sự việc. Khi đã nắm những “bằng chứng không thể chối cãi được” do các Cẩm y thị vệ hỏa tốc đem về. Ngài suy nghĩ rất chín chắn chứ không nóng vội, Ngài quyết làm ‘mặt giận’ cho đến bản mật tấu cuối cùng mới thôi, và cũng còn tùy nội dung của nó nữa. Nhưng ngài quên một điều quan Khâm sai đệ nhất còn giỏi hơn ngài về đánh giá thái độ, hành động.
Chưa tàn nửa tuần hương đã thấy Khâm sai Thiên Tướng trở về và thường lệ, mỗi lần ngài gọi người của viện Cơ Mật qua hỏi chuyện, tiếp đó ngài gọi viên Khâm sai đệ nhất qua nói chuyện rất là lâu. Y hỏi khâm sai Thiên Tướng:
- “Ông chủ” có gọi yên (tức là anh) không?
Chỉ nghe một tiếng “Không”, buồn làm sao. Giá như không khen thưởng, không trừng phạt, không... gì cũng được nhưng không thèm tiếp xúc với viên cận thần, khiến quan khâm sai đệ nhất viện Cơ Mật buồn đến tê tái. Đây cũng là hình thức thất tình, thất sủng, bị bỏ rơi như Sát Phá ngộ Tướng Binh gia thêm Kỵ.
SSS
Chiều hôm sau có lẽ là ngày đẹp, ngày tốt lành cho cung Mệnh, hạn của y. Hôm nay là ngày vọng (ngày rằm) buổi sáng có thiết đại triều tại Thái Bình điện, nhưng lệ thường chỉ có quan khâm sai Thiên Phủ đại diện cho Cơ Mật viện mà thôi. Khi y viết xong mật tấu thứ 5, cũng là lúc quan khâm sai Thiên Cơ từ Quang Minh điện trở về nói:
- “Ông chủ” mời “ông anh” lên ngài gặp.
Khỏi phải nói nỗi vui mừng của y như thế nào. Bước chân vào Quang Minh điện thấy nhà vua đang đứng bên giá 12 binh khí, đang điều hòa nhịp thở, ở chái đông điện Quang Minh. Lữ Khách biết nhà vua vừa luyện võ công xong.
- Hạ thần vui mừng được tiếp kiến long nhan.
Thấy nhà vua không nói gì vẫn điều hòa nhịp thở. Chàng ta lại nói tiếp:
- Không phải bao giờ võ công cũng tốt cho sức khỏe đâu bệ hạ.
- Đúng rồi. Trẫm nghiệm chứng thấy không đúng.
Nhà vua thở một hơi dài đi về long án thư, ngồi xuống dáng thư thái. Bàn tay trái để lên án thư, các đầu ngón tay gõ xuống mặt bàn như tiếng vó ngựa chạy, nghe rất là thích. Ngài nói:
- Khanh ngồi xuống đi. Những điều khanh viết trong mật tấu là thật hay là dối? (tức là Thái hay là Hư) -Và để khỏi tranh cãi dài dòng, ngài tiếp- Dối như thế để làm gì?
Thế là chết, nhà vua đang “đào” một cách nhẹ nhàng, êm ả chứ không ồn ào náo nhiệt như thói quen thường ngày. Là người chủ động trong cuộc chơi. Nhưng Lữ Khách vẫn không thể ngờ được nhà vua điều tra nhanh như vậy, chàng thầm khen bọn Cẩm y thị vệ lại giỏi đến thế, cái giỏi của chúng là giỏi cưỡi ngựa mà thôi (đa phần bọn chúng được tuyển từ ngự lâm quân mà qua). Nhưng cố tình im lặng giả bộ ngập ngừng:
- Dạ, dạ...
- Nói đi, dối chỗ nào.
- Dạ. Thần không có té sông đâu ạ.
-Ta hỏi khanh, khanh dựng câu chuyện (Kình Xương Khúc) ấy như thế để làm gì?
- Nói ra. Bệ hạ tha cho thần, mới dám nói.
Nhà vua im lặng suy nghĩ. Hôm nay muốn “gây sự” tên này cho bỏ tức nhưng sao muốn “kiếm chuyện” khó thế. Lòng ngài thấy thanh thản hơn thường lệ, Mừng vì không có chuyện té sông mà cũng bị dằn vặt bởi chưa hỏi han gì về thương tích và cũng như cuộc chiến đấu ở Hồng Linh tự. Lòng nhà vua vướng vào 2 chữ Thương và Ghét như Thiên Tướng ngộ Kỵ. Ngài cho đó là lời nói dối trung thực (Tuần Hư). Lòng nghĩ (tức Cơ Đồng) “hắn” kiếm chuyện để gặp ta.
-Thôi được, trẫm không bắt lỗi chuyện bịa đặt nhưng mục đích của khanh là gì?
- Hạ thần biết thế nào Hoàng Thượng cũng quan tâm chuyện ấy. Để hạ thần được tiếp xúc bàn chuyện cơ mật, nhất là về một bí mật về quan Liêm Tham, mãi đến hôm đi qua huyện Tào Lao thần mới được biết.
Nhà vua suy nghĩ “tên này” giỏi thật. Sao “hắn” biết ta quan tâm chuyện nào. Nhà vua nghĩ thầm, “hắn” tưởng là thắng trong cuộc chơi này, ta “giả nai” thử coi. Nhà vua hỏi:
- Sao bí mật về quan Liêm Tham lại tìm thấy ở xứ Tuất?
- Hôm hạ thần bị bọn Sơn Đường tấn công ở huyện Tào Lao, có một tên trung niên tên là Thiên Lương làm nghề kiếm củi, giúp đưa về nhà nghỉ ngơi. Tiện thể may lại chiếc áo do bọn tặc làm rách. Qua câu chuyện người này kể, mới biết quan Liêm Tham hồi làm quan xứ Hợi, bí mật cướp vợ của anh chàng này, giam giữ trong tư dinh. Người được gọi là vợ ấy, là một tiểu thư Thái Âm Kiếp, chỉ mới đính hôn mà thôi, có viết một tập thư gởi đến được tay chàng Thiên Lương, y vốn là kẻ hàn sĩ chưa có danh phận gì. Chàng ta lại nôn nóng đến gặp quan Liêm Tham, hồi ấy là phó Lãnh Binh, bị tên này truy sát. Khiến Thiên Lương phải đến trú ngụ nơi sơn cùng thủy tận là tổng Địa Võng, huyện Tào Lao, xứ Tuất. Trước đó y cũng vào tận vùng đất Hoang Đường ở một thời gian nhưng chịu không được bọn du côn trong ấy, bèn bén rễ tại đây. Thật ra y ở một nơi hoang vu trên đồi gần Địa võng.
- Vết thương ngươi như thế nào. Cho ta xem.
- Dạ thưa, “thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ”. Bệ hạ hơi đâu quan tâm chuyện đó.
Đó là cụm từ nhà vua dùng hôm trước. Nhà vua biết anh chàng chơi xỏ mình nhưng không bực mình, ngài cười phán rằng:
- Người làm tướng là phải biết quan tâm đến thương tích, đói no, bệnh tật của binh sĩ. Nhưng ta lại có tên quân sĩ ngu dốt không hiểu biết chuyện ấy.
Bị phản đòn hơi đau. Lữ Khách tìm lời chống chế:
- Người quân sĩ ngu dốt ấy, không muốn chủ tướng của mình bận lòng vì những việc nhỏ nhen đó, thưa Bệ hạ.
- Có bằng chứng gì về việc quan Liêm Tham hay người ta vu oan cho y. Đừng quên xứ Địa Võng hay nói trạng, nói dóc, nói vu...
- Thấy thần lúng túng không vá lại được áo, với lại tay thần đang đau, về sau chiếc áo ấy thần để lại cho y. Y thuộc loại áo vũ cơ hàn (y cũng hỏng mà cơ cũng hỏng). Và hiện giờ thần đã cho Khâm sai Thất Sát đến xứ Tuất bí mật đưa y về Cơ mật viện cơ sở 2 để bảo vệ, nếu Hoàng thượng có hứng thú, có thể gặp y vài hôm nữa.  Trong lúc y chăm chú vá áo, đầu giường y có tập thơ, thần lấy đọc, nhờ đó, y mới kể những nỗi lòng, chỉ nhớ đại khái như sau:
...Thiên Lương chàng ơi! chàng ơi!.
Thương dùm thiếp với hỡi người tình chung.
Chúng ta vui cuộc tương phùng.
Muộn màn thiếp chịu, lạnh lùng thiếp mua.
Đừng buông những tiếng cay chua.
Lều tranh trở lại vui đùa với nhau...
Và còn có.
Có một người thương nhớ một người.
Nhưng mà  xa cách quá đi thôi.
Giá như tay nắm  người trong mộng
Vui bước bên nhau trọn một đời.
Nhà vua nghe thế liền khen:
Chỉ đọc qua một lần mà nhớ là tốt. Khanh đọc lại lần nữa trẫm nghe nào.
Lữ Khách cũng đọc lại đúng y như vậy. Và chàng ta còn khoe rằng:
- Cái gì cần nhớ là thần nhớ. Cái gì cần quên là thần quên ngay.
- Theo khanh, liệu y còn giam giữ nàng ấy không hay thủ tiêu rồi.
- Cái đó khó biết được. Nhưng thần tin rằng, tư dinh của y có giam giữ một số phụ nữ. Như bệ hạ đã biết đấy. Hành tung và nơi ở của y rất bí mật. Chính lúc ở xứ Thân hạ thần gặp quan Lãnh binh, hạ thần mới hiểu được vấn đề...
- Ủa sao lại có tên Lãnh binh xứ Thân tại đây?-
- Không đâu thưa bệ hạ. Hoàn cảnh và tâm trạng của hạ thần, khiến thần nhớ đến Khâm sai 20. Thần đến vào giờ y có thể mời thần ăn cơm để có thời gian để điều tra tìm hiểu. Và thần chợt nhớ đến Khâm sai 20, có lẽ cũng nghĩ như thế. Khâm sai 20 phát hiện điều gì đó, bị y thủ tiêu ngay trong căn nhà của y. Y chỉ cần nhờ một tên tâm phúc hóa trang là Khâm sai 20 cùng nhau rời doanh trại, mượn sự chân thật của bọn quân giữ cổng làm nhân chứng, kể cả người của ta cũng hiểu lầm vì trong bóng tối mập mờ ấy, chỉ thấy dáng dấp chứ không rõ mặt, mà trang phục của Khâm sai cũng là dân gian loại dễ hòa đồng nhất, tên kia chỉ cần qua khỏi doanh trại, đến đoạn tối gần cầu xóa bỏ hóa trang, đem con ngựa đến đèo Đà La xứ Tị xô xuống núi, trong khi chúng ta lại tìm con ngựa ấy ở xứ Thìn.
- À thì ra giản dị là thế, đến gần cầu tên thông gian xóa bỏ hóa trang và cứ thế đi thẳng, mục đích của chúng là mượn tay bọn lính gác làm nhân chứng. Chuyện quan trọng như vậy, sao giờ khanh mới báo?
Lữ Khách làm một động tác y hệt nhà vua đã từng làm. Tay trái đưa lên cao hất ra ngoài. Nhà vua không giận mà phì cười. Lữ Khách lại tiếp:
- Thần còn nghi tên này thông đồng với bọn Sơn Đường nữa đấy.
- Với ngươi thì khó khăn, với ta phẩy tay một cái là xong. Trẫm gọi y về đây, khanh đập nát tòa tư dinh ấy tìm kiếm bí mật khó gì.
- Thần nghĩ, vô cớ gọi y về, e rằng y phi tang chứng cứ. Với lại bọn khâm sai địa phương bí mật xâm nhập tư dinh, bị y phát hiện. Y có 2 con chó ngao, trước đây y cột lại, bây giờ y thả rông. Chứng tỏ cho thấy y có nghi ngờ. Ý thần là, nên nhờ quan Ngũ quân đô thống kiêm Thượng thư bộ Binh. Sai phái y tấn công bọn Sơn Đường, trước là tìm hiểu sự trung thực của y, thần nhận thấy y bỏ đồn ở tổng Đường Hoa là có sự bất ổn. Vả lại, trách nhiệm của y là bảo vệ lãnh thổ, nếu không hoàn thành phải cậy nhờ đến quân triều đình. Chính y cũng bỏ mặc cho huyện linh Tào Phi, khiến huyện Tào Tháo bị thiệt hại nặng. Y còn xòe 3 ngón tay ra nói, chỉ có 3 tên giặc mà thôi, làm gì phải động đến quân Cơ binh. Theo thần, muốn vào được động Sơn Đường phải 1, 2 vệ vượt qua đồi Răng Cop không thể đi theo con đường sạn đạo.
Nhà vua đập nhẹ bàn tay xuống bàn.
- Ừ như thế cũng hay đấy. Quan Thượng thư cũng úp mở nói như khanh, nên dùng bọn Cơ binh xứ Thìn trước. Trẫm cứ thương doanh Trung quân (mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 500 quân) chưa quen với thời tiết ở vùng Hoang Đường, năm nay trời trở rét quá dài. Trẫm đắn đo chưa mở HQ 2 ngày tết thì lại đến gần.
- Thưa bệ hạ. Ngài đừng đắn đo chuyện ấy. Tại đó còn có hơn hai nghìn dân chúng chịu lạnh nữa, đâu phải chỉ có quân triều. Việc đánh vào Sơn Đường càng sớm càng tốt, nhất là trước tết. Bọn xấu, bọn ác đâu có nghỉ giải lao. Và cũng ngăn chặn kẻ ác tìm về với nhau. Xin thưa, việc quân ta vào vùng Hoang Đường vô tình, xô đẩy một số tay anh chị, bọn trốn tránh pháp luật chạy theo bọn Sơn Đường.
- Có thể điều khanh nói đúng đấy, số lượng bọn phạm pháp bắt rất ít. Để trẫm suy nghĩ thêm và làm việc với quan Đô thống. Đây là những văn thư trong chiến dịch An Dân, khanh cầm đi, chưa đánh đấm gì mà bọn Lưu tinh chuyển văn thư bị thương 2 đứa do té ngựa. Trẫm không sao hiểu được, chẳng có tin gì tối khẩn để đến nỗi, sai phái bọn lưu tinh đi suốt ngày đêm, để xảy ra tai nạn.
- Tâu, bên quân sự cái gì cũng khẩn cả, Bệ hạ nên thông cảm chuyện đó.
Cũng nhanh mau, khẩn cấp có người được quyềnđó, và trách nhiệm của họ. Gặp những tai nạn đáng thương vì nhiệm vụ, họ còn được an ủi bởi chiến dich, chiến thương bội tinh, rủi ro bị mất mạng vợ con cha mẹ còn có tiền tuất, tiền tử. Khác với bọn “Phản Ứng Nhanh” vùng Hoang Đường, vô tích sự gieo họa cho mình, cho người. Còn sống mang thương tích báo hại người thân.
Câu chuyện đến đây, bỗng thấy phía sau Quang Minh điện có người vào. Đó là Hoàng tử. Hoàng tử chào nhà vua và quan khâm sai, rồi kề tai vua nói nhỏ gì đó. Nhà vua lên tiếng:
- Chuyện tạm dừng ngang đây. Sáng mai khanh đến đây gặp trẫm, ta bàn tiếp. Đừng quên mang tài liệu về. Nhưng cũng đừng quên bản mật tấu hôm nay chưa gởi. Hì hì... Này khanh có nghe chuyện Tổng đốc xứ Thìn xin từ chức chưa.
- Thần nghĩ, do con trai của mình bị bọn Sơn Đường bắt cóc, nên quan Tổng đốc từ chức để bọn giặc khỏi gây áp lực. Đúng là một trung thần. Trộm nghĩ. Bệ hạ nên đưa tạm thời quan khâm sai Thiên Phủ nắm quyền Tổng Đốc xứ Thìn, để bọn thần dễ đối phó với quan Lãnh binh. Dù y thắng thật hay thắng giả trận này, thần vẫn có biện pháp đối phó.
- Trẫm bàn với quan Tể Tướng cho hợp lý, về việc khanh tiến cử quan Thiên Phủ. Trẫm cho người giám sát trận đánh, khanh đừng bận tâm chuyện ấy. Thắng thua gì trẫm cũng lôi đầu về đây, khanh tha hồ tìm hiểu bí mật nơi tư dinh của y. Khanh chớ manh động trong lúc y đang động binh, kẻo sinh chuyện không hay. Thôi khanh về đi sáng mai bàn tiếp.
Thế là nhà vua không còn cấm cửa (Cự Kỵ) nhưng cái tội ngài vẫn chưa tha.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét