NHỊP ĐỜI TRÊN LÁ SỐ.
Nếu Phật giáo có thuyết Luân Hồi với bánh xe luân hồi nổi tiếng. Trên TỬ VI cứ một vòng đời 120 năm người chết lại được sống lại trên miệng lưỡi thế gian, 240 năm lại lập lại chu kỳ đó một lần nữa. Và cứ thế với bội số của 120 năm tiếp diễn. Ta có thể gọi đó là vòng đời của một lá số. Nhưng tại sao tôi lại viết nhịp đời trên lá số. Vì trên lá số đó lại có nhịp đời khi lên, khi xuống, khi tồn tại, khi hợp, khi tan, khi còn, khi mất. Vậy thì bánh xe “luân hồi” (tạm gọi như vậy để tiện so sánh) lại có những răng cưa như hình “Sin” trong toán học. Y như bánh xe răng trong bộ máy nhưng nó không đều đặn như bánh xe răng thật. Nó lởm chởm, cái cao cái thấp không đều, cái có cái không, một bánh xe răng không hoàn chỉnh.
Bánh xe luân hồi chỉ có một chiều quay khởi điểm từ Sinh, Lão qua Bệnh kết thúc ở Tử. Nhưng cuộc đời lại chứng minh rằng: Từ Sinh có thể đi ngay qua Tử. Tìm và vượt thời kỳ quá độ rất nhanh. Vòng đời trên lá số lại còn hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn có vòng chạy xuôi (Dương nam, Âm nữ) có vòng chạy ngược (Âm nam, Dương nữ). Cứ y như bộ máy bộ thật, như bạn đã từng thấy trong các bộ máy như đồng hồ chẳng hạn.
Thời gian của nhịp đời.
Thời gian của nhịp đời ngắn nhất được tính bằng giờ, bằng ngày, rồi tháng, qua năm mau nhất là giờ lâu nhất là 10 năm. Cho nên bạn cũng thấy đó, thử nghiệm chính mình, không cần thiết có lá số TỬ VI, có giờ trong lòng ta lo lắng, tinh thần ta sa sút, qua giờ đó rồi thôi, có lúc ta cảm nhận vui vui, có lúc cảm thấy rầu rầu… Cứ y như vui buồn với con ma, con quỷ nào đó. Đó là nhịp ngắn nhất là giờ. Nhịp dài nhất là 10 năm, tức một đại hạn trên TỬ VI, vì thế người ta thường kỷ niệm vào các nhịp 10 năm, 20 năm, 200 năm, 1000 năm… để cho giống với TỬ VI. Cho nên ta có: Mười năm tình cũ hoặc:
…” Đã mười năm qua không lẽ ngàn đời cách xa, anh còn…”
Nhưng nhịp thời gian 10 năm đôi khi, sứt mẻ kéo dài 15 năm làm cho giới nghiên cứu TỬ VI bóp đầu ra mà đoán. Như Nguyễn Du đày đọa Thúy Kiều 15 năm, nhắc đi nhắc lại, không biết bao nhiêu lần: “Mười lăm năm bấy nhiêu lần, làm gương cho khách hồng trần thử coi.”. Rồi đến Nguyễn Bính cũng vậy trong “Lỡ bước sang ngang” cũng đày đọa người chị gái tưởng tượng tới 15 năm. Đúng là “nhân chi sơ tính bổn… ác”. Luôn tiện nhắc đến Nguyễn Du, người viết nhớ đến câu thơ:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Không biết 300 năm sau, thiên hạ ai là người khóc Tố Như, tức Nguyễn Du. Có người lo đến nhịp đời 300 năm, thiết nghĩ ngàn năm sau vẫn nhớ đến Nguyễn Du, bởi người chính danh văn sỹ, đâu có phải là văn nô, sử nô tự tìm đến giỏ rác Recycle Bin chôn mình. Viết vô tư như Nguyễn Du còn lo trối chết, huống gì viết bậy bạ dối lòng.
Thời điểm của nhịp đời.
Có người sinh ra từ tối tăm, từ hạ lưu của dòng sông cuộc đời và từ đó trở thành thượng lưu trong dòng sông xã hội. Nhịp đời nầy có vẻ như thuận thảo dễ thương làm sao. Nhưng cũng có người sinh ra làm cậu ấm, cô chiêu và từ từ từ, tà tà biến thành vô sản chuyên chính. Để rồi ca: “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng, ngày nay ai đói rách lang thang…”. Để rồi nhìn đời bằng cặp mắt hằn học, nhìn người bằng cặp mắt hận thù. Nhất là những người không may sinh ra ở hạ lưu mà nhịp đời nào thấy thay đổi, nào thấy “Thời Cơ” như Bửu Đình viết, đâu thấy “Khúc Rẻ Cuộc Đời” để lánh thân, đâu nào “Bước Khởi Đầu” tươi đẹp. Sẵn sàng với tư tưởng “không có gì để mất”, “không còn gì để mất” nhưng vẫn còn cái để mất mà không thấy. Đó là danh dự của gia tộc, của gia đình. Các thời điểm quan trọng trên TỬ VI là:
LỘC TỒN: chủ tồn tại. Nhưng thật sự có tồn tại hay không khi trình độ bạn cao hoặc mai đây bàn đến. Chứng minh ngược (chứng minh thuận không ưa, ưa chứng minh ngược) Vua Quang Trung đến LỘC TỒN mà không tồn tại. Các trường hợp MỆNH, Hạn tại vị trí LỘC TỒN, TƯỚNG QUÂN , BỆNH PHÙ thuộc thời điểm LỘC TỒN.
KÌNH DƯƠNG chủ đi lên, vươn lên, giương lên, thăng lên, bốc lên… Tốt là đời lên hương, được thăng chức lên lương, nhà cửa cao lên…. Xấu nhất là lên thiên đàng. Các vị trí tam hợp có KÌNH là lên.
ĐÀ LA là đi xuống, là nốt nhạc trầm, lên voi là KÌNH xuống chó là ĐÀ. Nhưng chắc gì Xuống là xấu. Cao huyết áp ai cũng muốn hạ áp, lên máy bay ai cũng mong hạ cánh an toàn. Ẩn sỹ đôi khi ngon hơn cao sỹ. Cho nên có câu:
“TỬ VI dữ chư sát đồng cung, chư cát hợp chiếu quân tử tại dã tiểu nhân tại vị”
Quân tử tại chốn quê mùa, tiểu nhân tại chốn công danh. Khi MỆNH có TỬ VI đi với Cát Hung tương bán. Một là đem tài năng vận dụng Hung tinh kiếm chút lợi danh, hai là ôm cát tinh lấy yên vui điền viên làm bạn. Một số người khi lên để lại đâu đó những vết tích tội lỗi, mong sao được hạ cánh an toàn. Dễ dầu gì như Trương Lương, Nguyễn Trãi…
“Cái vòng danh lợi cong cong
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào”
Đó là những mẫu người để lại những vết chân son trên Lịch sử. Lại có người để lại dấu chân bùn làm xấu bộ sử xanh.
Vậy thì xuống chưa hẵn đã xấu. Rút lui đâu phải là thua. Xấu nhất của ĐÀ LA là xuống địa ngục. Các vị trí có sao nầy hoặc tam hợp có sao nầy thuộc thời điểm xuống.
PHỤC BINH là thời điểm phục hồi còn mang ý phục vụ tiếp. Nhưng quan trọng là phục hồi cái gì? Việc chi? Như phục hồi lại bệnh tật đó là ngôn ngữ TỬ VI, trong Y khoa là tái phát bệnh, hoặc việc ác lại tiếp tục làm, việc tốt ta tiếp tục theo, hoặc viết tiếp tập 2, hoặc phục vụ cho đất nước thêm một lần nữa, mặc dù các công thần cáo lão từ quan vẫn được các minh quân vời ra lần nữa, dĩ nhiên các hôn quân thì bảo về đi cho khuất mắt Trẫm. Còn người xấu hại đất nước một lần hại thêm lần nữa có xấu gì đâu. Xấu nhất của phục hồi là về phục vụ cho Diêm Vương, nếu ưa lên thì thiên đàng phục vụ cho Chúa…
Từ vị trí sao nầy hoặc PHI LIÊM, hoặc THANH LONG ta tạm gọi vị trí phục hồi.
Chúng ta luôn luôn ở trong 4 vị trí gọi là thời điểm của cuộc đời, kẻ đang đi lên người đang đi xuống, kẻ đi ngược kẻ đi xuôi, người tồn tại trong lo âu, người tồn tại trong mãn ý, người thích ẩn (ĐÀ) kẻ thích giương (KÌNH). Kẻ cầu lên “thà một phút huy hoàng rồi chợt tối” người mong sao đừng ai nhớ đến tội mình. Nhịp đời sôi nổi.
Và VIỆT NAM ta có người biết được nhịp đời của vận nước là Nguyễn Bỉnh Khiêm, mô tả cuộc khởi nghĩa Yên Bái qua câu:
Kìa cơn gió thổi lá rung cây
Rung Bắc sang Nam Ðông tới Tây
Tan tác kiến kiều an đất nước
Xác xơ cổ thụ sạch am mây
Sơn lâm nổi sóng mù thao cát
Hưng địa tràng giang hóa nước đầy
Một ngựa một yên ai sùng bái
Cha con người Vĩnh Bảo cho hay
Trên là những địa danh được mã hóa thành thơ, thật tài tình hết lời để nói. Qua rồi ta mới thấy. Cổ Am là nơi đầu tiên hứng lấy những quả bom đầu tiên của giặc Pháp. Xác xơ cổ thụ sạch am mây. Vừa hay mô tả một trận ném bom vừa chỉ ngay địa danh đó. Và “Một ngựa một yên ai sùng bái” mà chẳng thấy mang theo vũ khí, tức lực lượng còn non yếu.
Có duyên ắt gặp lại. Tôi sẽ viết " Tổ Quốc Sám Hối" đặc sắc hơn ông Kiểng nữa đấy